Một số phương án phòng tránh muỗi hiệu quả tại nhà
Phun tồn lưu hóa chất diệt lên tường vách
Muỗi truyền bệnh thường tìm những nơi yên tĩnh và có bóng tối để nghỉ trong phần lớn thời gian vòng đời của chúng. Tại những nơi khô ráo, nhà ở là nơi trú đậu lý tưởng cho muỗi truyền bệnh. Tại các khu rừng ẩm thấp, muỗi truyền bệnh ít trú đậu và sống trong nhà mà thường trú đậu và sống ở các loại cây cối ở ngoài nhà. Tuy vậy, loài muỗi truyền bệnh sống ngoài nhà có thể bay vào nhà để đốt máu người và trước khi hoặc sau khi đốt máu người, chúng có thể trú đậu ở trong nhà một thời gian. Biện pháp phun hóa chất diệt muỗi có tác dụng tồn lưu lên tường vách có thể diệt được muỗi truyền bệnh và các loài côn trùng khác sống ở trong nhà. Muỗi truyền bệnh trú đậu trên từng vách đã được phun hóa chất diệt chúng sẽ bị chết do chân tiếp xúc với hóa chất và bị nhiễm độc. Một số loại hóa chất có tác dụng xua đuổi mạnh sẽ làm cho muỗi cảm thấy khó chịu, nó phải tìm cách bay ra khỏi nhà. Khi muỗi bay ra khỏi nhà, ở những nơi có thời tiết khô nóng, nhiều gió; muỗi không có nơi trú đậu ở ngoài nhà nên sẽ bị chết. Phun tồn lưu hóa chất diệt côn trùng lên tường vách có tác dụng làm giảm mật độ muỗi truyền bệnh, làm giảm tỷ lệ muỗi sống sót, làm giảm sự tiếp xúc của muỗi đối với người để đốt máu và truyền bệnh. Tuy nhiên, tác dụng chủ yếu của biện này là diệt được muỗi sau khi đã đốt máu người, không ngăn ngừa được muỗi đốt trước khi đốt máu người vì trên thực tế có một số muỗi đói bay vào nhà thường tìm ngay người để đốt máu trước rồi mới tìm tường vách đã được phun tồn lưu hóa chất diệt để trú đậu, sau đó mới bị chết. Phần lớn các loài muỗi truyền bệnh sốt rét thường bay vào nhà để đốt máu người và tìm chỗ trú đậu thích hợp để tiêu máu. Công tác phòng chống sốt rét ở các nước nhiệt đới đã tập trung chủ yếu vào biện pháp phun tồn lưu hóa chất diệt côn trùng lên tường vách, trần nhà tại những nơi người dân có tỷ lệ sử dụng màn ngủ thấp dưới 80% và chưa hình thành được tập quán ngủ màn thường xuyên trong sinh hoạt. Ở những nơi có điều kiện như tỷ lệ người dân sử dụng màn ngủ và tập quán ngủ màn cao, biện pháp tẩm màn ngủ bằng hóa chất diệt muỗi thường được áp dụng để thay thế vì dễ tổ chức thực hiện, ít tốn kém và có hiệu quả tốt.
Tẩm màn ngủ bằng hóa chất diệt
Màn ngủ đã được con người sử dụng từ rất lâu để bảo vệ, phòng chống các loại côn trùng đốt máu về ban đêm, trong đó có các loài muỗi truyền bệnh. Vì vậy màn ngủ còn được gọi là màn chống muỗi. Màn ngủ sẽ tăng khả năng bảo vệ phòng chống muỗi đốt khi được tẩm hóa chất diệt côn trùng. Biện pháp tẩm màn ngủ bằng hóa chất diệt có thể làm giảm mật độ muỗi truyền bệnh, giảm tỷ lệ muỗi sốt sót, giảm sự tiếp xúc của muỗi đối với người để đốt máu và truyền bệnh. Biện pháp này có tác dụng diệt được muỗi trước khi nó đốt máu người, ưu điểm hơn biện pháp phun tồn lưu hóa chất diệt lên tường vách. Thường màn ngủ được tẩm bằng hóa chất diệt côn trùng thuộc nhóm pyrethroide tổng hợp có tác dụng nhanh, kích thích hoặc giết chết muỗi khi nó tiếp xúc với màn; ngăn chận không cho chúng tìm thấy các lỗ thủng hoặc lỗ hổng ở trên màn ngủ. Màn ngủ được tẩm bằng hóa chất diệt côn trùng sẽ làm tăng khả năng bảo vệ và kéo dài thời gian hiệu lực của màn. Muỗi truyền bệnh khi bám đậu vào màn ngủ tẩm hóa chất diệt để rình mồi, đốt phần cơ thể của người tiếp xúc qua màn sẽ bị chết do nhiễm độc. Khả năng của muỗi sống sót sau khi tiếp xúc với màn sẽ thay đổi tập tính, bị loạng choạng do ảnh hưởng của hóa chất, nó không muốn đốt mồi nữa. Người không có màn ngủ hoặc nằm gần người ngủ trong màn có tẩm hóa chất diệt cũng có thể được bảo vệ một phần nào đó khỏi bị muỗi đốt. Màn ngủ được tẩm hóa chất diệt có tác dụng như một cái bẫy mồi khi có người nằm ở bên trong màn vì nó hấp dẫn muỗi truyền bệnh bay đến bám đậu, bị nhiễm độc hóa chất và chết. Khi cộng đồng người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành sử dụng màn ngủ tẩm hóa chất với tỷ lệ cao sẽ diệt được nhiều muỗi truyền bệnh, làm giảm cơ hội không còn con muỗi nào có khả năng sống đủ lâu để truyền được mầm bệnh ký sinh trùng sốt rét gây bệnh.
Leave a Reply